Giai đoạn 1-2 tuần đầu sau khi heo con cai sữa là giai đoạn rất quan trọng. Do bị stress khi cai sữa, heo sẽ giảm ăn và dừng lớn. Sau cai sữa, nếu heo nhẹ hơn heo khác 1 kg thì ngày tuổi xuất chuồng sẽ chậm hơn 1 tuần. Việc tăng cường dinh dưỡng cho heo và tập trung quản lý giai đoạn đầu cai sữa sẽ giúp cải thiện được năng suất. Trại cần tăng lượng cám cho ăn, sử dụng cám tập ăn, hạn chế stress do di chuyển, hạn chế cắn lộn do chênh lệch trọng lượng, huấn luyện heo thích ứng với máng ăn, cung cấp đầy đủ nước…
Khi cai sữa, mọi thứ đều thay đổi với heo: khi còn theo mẹ, heo con được bú sữa với đầy đủ kháng thể mẹ truyền. Hệ miễn dịch được kích hoạt, giúp heo con chống lại được dịch bệnh có trong trại, nhưng khi cai sữa thì những điều kiện thuận lợi này không còn. Sau cai sữa 1-2 tuần heo con phải tự nỗ lực để thích ứng với hoàn cảnh mới. Giai đoạn này không chỉ heo con bị ảnh hưởng bởi các bệnh như PRRS, PED, PCV2, E. coli, liên cầu khuẩn… mà chúng còn gặp một số bất lợi khác (tham khảo bảng 1)
Bảng 1: Sự khác biệt của heo con theo mẹ và heo con cai sữa
Phân loại | Heo con theo mẹ | Heo con cai sữa |
Khu vực sưởi | Có | Không |
Thức ăn | Khi cần là có | Có khi cần nhưng không thể ăn (do cạnh tranh) |
Dạng thức ăn | Lỏng | Rắn |
Hệ miễn dịch | Thụ động | Chủ động |
Tiết men tiêu hóa | Bình thường | Không bình thường |
Tình trạng nhung mao | Mỏng và dài | Dày và ngắn |
Stress | Ít | Nhiều |
Dung tích bao tử | Phù hợp | Thiếu |
pH ruột | Bình thường | Không bình thường |
Môi trường | Ổn định | Không ổn định |
Nhìn vào hình 1, tuy cùng ngày tuổi nhưng heo cai sữa có nồng độ cortisol trong máu cao gấp 2 lần so với heo con theo mẹ. Cortisol được tiết ra khi cơ thể bị stress, đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng chống lại stress. Nếu chỉ số cortisol cao thì cơ thể đang bị stress nặng. Khi bị stress heo con sẽ giảm ăn và chậm lớn.
Mối quan hệ giữa năng suất khi cai sữa và xuất chuồng: heo giảm ăn sau cai sữa không chỉ chậm lớn mà còn ảnh hưởng tới ngày tuổi xuất chuồng. Giai đoạn sau cai sữa nếu heo nhẹ hơn 1 kg thì ngày tuổi xuất chuồng sẽ chậm hơn khoảng 1 tuần.
Biện pháp giúp tăng lượng cám ăn vào sau cai sữa:
Tập ăn tại trại đẻ: cho heo con theo mẹ ăn cám tập ăn sẽ giúp nhung mao của heo con theo mẹ phát triển để sau cai sữa dễ dàng thích nghi với thức ăn dạng rắn. Cho ăn một lượng nhỏ (ngày 3 lần, khoảng từ ngày 10-14).
Cho ăn cám tập ăn
- Hạn chế tối đa stress do di chuyển heo con. Chia heo con theo trọng lượng để hạn chế cắn lộn, giành ăn. Để đồ chơi vào trong chuồng cho heo, rải cám xuống nền. Nên nuôi riêng heo còi, bệnh. Huấn luyện cho heo con làm quen với máng ăn. Hỗ trợ để heo con có thể tự ăn cám.
- Cung cấp đầy đủ nước uống: để hạn chế tình trạng mất nước, stress, sau cai sữa cần cung cấp thêm nước cho heo (bổ sung thêm chất điện giải). Điều chỉnh độ cao núm uống phù hợp.
- Tránh gió lạnh lùa trực tiếp vào heo con